Phim phóng sự
Liên kết website
Tiện ích
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập3
Tổng số lượt xem 766637
Hội thảo tập huấn trực tuyến: “Quyền trẻ em và kinh doanh: Khuôn khổ quốc tế và việc thực hiện ở Việt Nam”
Đăng lúc 03/11/2023 16:35:06

Trong chương trình thực hiện Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân”, từ 08h30’ đến 16h15’ ngày 05/10/2021, Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo tập huấn theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “Quyền trẻ em và kinh doanh: Khuôn khổ quốc tế và việc thực hiện ở Việt Nam”, do PGS. TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người chủ trì.

 

PGS. TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, chủ trì hội thảo

Tham dự hội thảo có PGS. TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI; ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và giảng viên các trường đại học.

Về phía trường Đại học An ninh nhân dân, có sự hiện diện của Thiếu tướng, PGS. TS Phan Xuân Tuy, Hiệu trưởng Nhà trường; Đại tá, PGS. TS Võ Hồng Công, Phó Hiệu trưởng và Đại tá, TS Phạm Duy Hoàng, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện Lãnh đạo Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Chính trị, Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Khoa Luật và giảng viên giảng dạy nội dung liên quan đến chủ đề Hội thảo.

 

Ban Giám hiệu cùng lãnh đạo, giảng viên, cán bộ Trường Đại học An ninh nhân dân tham gia Hội thảo

 Hội thảo được tổ chức với mục tiêu cập nhật thông tin, cung cấp kiến thức liên quan đến khuôn khổ quốc tế về quyền trẻ em và kinh doanh, thông qua đó nâng cao nhận thức và thúc đẩy hiệu quả việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em trong kinh doanh ở Việt Nam.

Trong 02 buổi làm việc, có 04 chuyên đề được trình bày trong Hội thảo gồm: Chuyên đề 1 - “Khuôn khổ pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền trẻ em trong kinh doanh”; Chuyên đề 2 - “Vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp về quyền trẻ em trong kinh doanh”; Chuyên đề 3 - “Vai trò, nghĩa vụ của nhà nước về quyền trẻ em trong kinh doanh” và Chuyên đề 4 - “Lồng ghép nội dung quyền trẻ em trong kinh doanh vào hoạt động xây dựng chính sách, nghiên cứu, giảng dạy”. Xen kẽ giữa các các chuyên đề là 03 phiên thảo luận về Chủ đề 1 - “Trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền trẻ em tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng”, Chủ đề 2 - “Vai trò của nhà nước Việt Nam về quyền trẻ em trong kinh doanh: Lập pháp, hành pháp và tư pháp” và Chủ đề 3 - “Làm thế nào để đưa nội dung quyền trẻ em trong kinh doanh vào xây dựng chính sách, và nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam hiện nay”.

Đại biểu thảo luận về chủ đề Hội thảo

Tham gia phiên thảo luận về chủ đề “Trách nhiệm của doanh nghiệp số trong tôn trọng quyển trẻ em”, Thiếu tướng, PGS. TS Phan Xuân Tuy đại diện Trường Đại học ANND làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp ở các khía cạnh pháp lý, xã hội và đạo đức, trong đó tập trung vào trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp số Việt Nam.

  

 

Thiếu tướng, PGS. TS Phan Xuân Tuy phát biểu thảo luận

Về trách nhiệm pháp lý, trước hết doanh nghiệp cần phải kiểm soát được việc sử dung sản phẩm của mình, và có trách nhiệm đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng sản phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng Bộ tiêu chí thống nhất trong việc đánh giá hoạt động của doanh nghiệp số. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần có sự hỗ trợ về pháp lý liên quan đảm bảo quyền trẻ em trong lĩnh vực kinh doanh số cho các doanh nghiệp.

Về trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp cần có cam kết rõ ràng và công khai chính sách của doanh nghiệp về đảm bảo quyền trẻ em trong kinh doanh, để dư luận có thêm kênh thông tin giám sát hoạt động của doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền trẻ em.

Thiếu tướng, PGS. TS Phan Xuân Tuy cũng lưu ý, ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của nhà nước, còn cần có sự tham gia một cách trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội và của chính trẻ em trong việc đảm bảo quyền trẻ em trong kinh doanh. Bên cạnh xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp, chúng ta cũng cần quan tâm đến cả quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp số Việt Nam, để có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo quyền trẻ em trong quá trình hoạt động của mình.

Kết thúc Hội thảo, PGS. TS Tường Duy Kiên kết luận: Do ảnh hưởng của dịch Covid, Hội thảo được chuyển sang tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhưng nhờ sự tham gia tích cực, hiệu quả của các đại biểu, Hội thảo đã đạt được thành công ngoài mong đợi của Ban Tổ chức. Qua trao đổi, thảo luận sôi nổi, các đại biểu đã có nhiều kiến nghị hay, Viện Quyền Con người đã ghi nhận đầy đủ các ý kiến và sẽ triển khai nghiên cứu, bổ sung những kiến nghị này vào những tài liệu liên quan đến quyền trẻ em trong kinh doanh mà Viện đang tham gia biên soạn và sẽ xã hội hóa trong thời gian tới. Thay mặt Ban Tổ chức và các giảng viên của Viện Quyền con người, PGS. TS Tường Duy Kiên cảm ơn sự hỗ trợ của VCCI, UNICEF và sự tham gia nhiệt tình, hiệu quả của đại diện các cơ quan, tổ chức, các trường đại học, trong đó có Trường Đại học An ninh nhân dân.

Qua 01 ngày tham dự Hội thảo, lãnh đạo, giảng viên và cán bộ Nhà trường đã tiếp thu nhiều thông tin có giá trị về quyền trẻ em trong kinh doanh. Đây là một dịp để Trường Đại học An ninh nhân dân tham gia vào hoạt động góp phần đảm bảo các giá trị về quyền con người nói chung, quyền trẻ em trong kinh doanh nói riêng; là cơ hội để kết nối, từ đó mở ra cơ hội hợp tác với các đơn vị, cơ sở đào tạo, nghiên cứu về quyền con người; đồng thời, tham khảo kinh nghiệm tổ chức hội thảo trực tuyến để tổ chức hiệu quả các buổi hội thảo trực tuyến của Nhà trường trong thời gian tới./.

Tin bài: Hùng Đức – K2- T04

Các nội dung liên quan

Các bài mới đăng