Phim phóng sự
Liên kết website
Tiện ích
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập1
Tổng số lượt xem 770641
Những điểm mới trong Nghị định 93/2021 của Chính phủ về kêu gọi quyên góp từ thiện
Đăng lúc 03/11/2023 16:58:05

Ngày 27/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 93/2021) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định 93/2021 ra đời trong bối cảnh sau nhiều vụ việc phức tạp liên quan tới việc các cá nhân, nghệ sĩ làm từ thiện trong thời gian vừa qua đã gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều và những ảnh hưởng không tốt trong xã hội, đặc biệt là trên các kệnh của mạng xã hội như zalo, facebook, youtube…

Nghị định bao gồm 2 Chương, 27 Điều với phạm vi điều chỉnh quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Cũng như các khoản hỗ trợ từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, từ ngân sách của địa phương này ủng hộ cho địa phương khác để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Theo khoản 1, Điều 2 của Nghị định quy định các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện bao gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập); Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (khi được UBND cấp huyện ủy quyền theo quy định); Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế; Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019; Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân; Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự.

So với quy định hiện hành, Nghị định 93/2021 bổ sung trường hợp cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được vận động, kêu gọi quyên góp từ thiện. Theo đó, Nghị định đã dành riêng Mục 2 của chương 2 để quy định cụ thể về việc cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước gồm các nội dung như: cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng để tiếp nhận tiền đóng góp theo từng cuộc vận động; việc phối hợp với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; đã được quy định tại các điều 17, điều 18; Đặc biệt, Nghị định còn quy định một nội dung rất quan trọng đó là việc quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện tại Điều 19. Theo đó, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Ảnh: Cá nhân làm từ thiện

 

Việc ban hành Nghị định 93/2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần giúp cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước được thực hiện một cách bài bản, khoa học, đạt hiệu quả cao, đồng thời hạn chế được những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội như trong thời gian vừa qua. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 12 năm 2021 và thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ.

 

                                                        Tin bài: Viết Tăng – K2 - T04

Các nội dung liên quan

Các bài mới đăng