Phim phóng sự
Liên kết website
Tiện ích
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập3
Tổng số lượt xem 770405
Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Cảnh sát cơ động đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới
Đăng lúc 03/11/2023 16:39:39
Sáng 31/8, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự và chỉ đạo Phiên họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp.

Xây dựng luật phù hợp hoạt động thực tiễn của CSCĐ

Tham dự Phiên họp, về phía Bộ Công an có Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật CSCĐ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội...

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm UPQPAN Lê Tấn Tới nêu rõ, Dự án Luật CSCĐ là một trong 7 dự án luật đầu tiên trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai tới đây, cũng là dự án đầu tiên UBQPAN được giao chủ trì thẩm tra. Với tinh thần tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác lập pháp mà Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đặc biệt quan tâm, Thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị thành viên UBQPAN, đại diện các bộ, ngành, cơ quan hữu quan chủ động phát biểu, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến đối với các nội dung của dự án luật.

Chủ nhiệm UBQPAN mong muốn nhận được những ý kiến phát biểu trí tuệ, cởi mở, trách nhiệm, dân chủ để cùng đồng hành với Ủy ban xây dựng dự án luật đạt hiệu quả cao nhất; trong đó, tập trung vào sự cần thiết ban hành dự án luật, sự phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ; hệ thống tổ chức, việc điều động CSCĐ...

 

Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc phiên họp.

Trình bày tóm tắt Tờ trình về dự án Luật CSCĐ, Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án luật cho biết, Pháp lệnh CSCĐ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII thông qua ngày 23/12/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để CSCĐ phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động gây phương hại đến ANTT, bạo loạn, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, đấu tranh triệt phá các chuyên án, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, hội nghị, sự kiện chính trị quan trọng... góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với lực lượng CSCĐ ngày càng nặng nề hơn, yêu cầu cấp thiết phải có luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho CSCĐ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bên cạnh đó, qua 7 năm thực hiện, Pháp lệnh CSCĐ đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do vậy, việc xây dựng Luật CSCĐ là cần thiết.

 

 

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại phiên họp.

 

 Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại phiên họp.

Dự thảo luật gồm 5 chương, 32 điều (tăng 8 điều so với Pháp lệnh CSCĐ), được xây dựng trên cơ sở bám sát mục tiêu, nội dung, các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ, bổ sung quy định mới phù hợp yêu cầu thực tiễn hoạt động của CSCĐ...

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBQPAN đã trình bày ý kiến thẩm tra bước đầu của Thường trực Ủy ban, theo đó, tán thành sự cần thiết ban hành luật với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, bởi việc ban hành Luật CSCĐ sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh hiện hành sau 7 năm ban hành, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Hồ sơ dự án luật đã được Chính phủ trình theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai.

 

 

Tư lệnh CSCĐ Phạm Quốc Cương trình bày tờ trình tại phiên họp.

Về các nội dung cụ thể, Thường trực UBQPAN đề nghị nên nghiên cứu bổ sung quy định rõ hơn vị trí, chức năng đặc thù của CSCĐ, khác với các lực lượng khác trong CAND. Đồng thời chỉ nên quy định CSCĐ thực hiện những nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến việc sử dụng biện pháp vũ trang để CSCĐ tập trung huấn luyện, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống phức tạp về ANTT. Thường trực Ủy ban cũng đề nghị nên nghiên cứu kỹ quy định về quyền hạn của CSCĐ mang vũ khí vào cảng hàng không, lên tàu bay để thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí đang diễn ra... đồng thời phân biệt với mang theo vũ khí đi công tác ở địa bàn khác...

Dự thảo luật được chuẩn bị công phu, hồ sơ tương đối đầy đủ

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhất trí sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ và nhận thấy hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ các tài liệu theo quy định, tuy nhiên ông góp ý về quyền hạn của lực lượng CSCĐ. Dự thảo luật quy định, người thi hành công vụ độc lập được quyền nổ súng để ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái. Đây là điểm mới, khác với quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là chỉ được nổ súng vào "phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa".

 

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Minh Đức trình bày báo cáo thẩm tra.

"Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định như dự thảo luật là có căn cứ, phù hợp tình hình thực tế hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, cần đánh giá tác động cụ thể, nếu cần thiết thì đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Theo Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Quốc phòng, hồ sơ Dự án Luật CSCĐ được chuẩn bị hết sức chu đáo, công phu, trên cơ sở tổng kết thực tiễn từ Bộ Công an, tham khảo ý kiến sâu rộng từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp. Khẳng định đây là một văn bản pháp lý quan trọng trong xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, tổ chức của lực lượng CSCĐ, ông cũng bày tỏ đồng tình, thống nhất các nội dung quy định về bố cục, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, các quy định cơ bản phù hợp, sát yêu cầu thực tiễn...

 

 

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp.

"Tôi đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của Cơ quan soạn thảo khi hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, giải trình rõ ràng, khúc chiết, thuyết phục, có thể coi là hình mẫu của một bộ hồ sơ trình dự án Luật trong Quốc hội", Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh nêu quan điểm. Góp ý vào dự thảo luật, bà hoàn toàn đồng tình việc CSCĐ nói riêng và lực lượng CAND nói chung được bổ sung máy bay. "Qua nghiên cứu, Cảnh sát các nước đã sử dụng phương tiện này để tuần tra, chiến đấu, vận tải, vận chuyển quân, chống bạo động, hoặc làm nghĩa vụ sở chỉ huy trên không...", Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lấy ví dụ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nêu thực tế, CSCĐ thường xuyên tuần tra kiểm soát, cả ngày và đêm, lúc nắng mưa, giông bão, nên tình hình ANTT ở địa phương rất đảm bảo, đời sống người dân an toàn, ổn định, bảo vệ tốt các mục tiêu trọng điểm. Đại biểu đề nghị, cần ghi nhận sự đóng góp của lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSCĐ nói riêng trong bảo vệ các sự kiện chính trị, thể thao, văn hóa tại địa phương.

"Hình ảnh 2 CSCĐ bế cháu bé bị co giật ở sân vận động Thiên Trường (Nam Định), trong đó có 1 đồng chí cho tay vào miệng cháu bé để ngăn cháu không cắn vào lưỡi là hình ảnh đẹp, biểu tượng cho người chiến sỹ CSCĐ ở địa phương", ông dẫn chứng về đóng góp quan trọng của lực lượng CSCĐ thời gian qua và đề xuất trao thẩm quyền cho CSCĐ được tuần tra, kiểm soát trên toàn bộ địa giới hành chính của mỗi tỉnh...

 

Toàn cảnh phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhất trí một số nội dung của Tờ trình, các ý kiến thẩm tra của UBQPAN và tâm đắc với một số ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm tại phiên họp đã khai thác toàn diện các vấn đề, góc cạnh của dự thảo luật. Đánh giá cao Ban soạn thảo đã tích cực chuẩn bị dự án luật, hồ sơ bước đầu tương đối đầy đủ, rất công phu, tiếp thu chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội cũng như ý kiến của Thường trực UBQPAN, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật CSCĐ là một trong 7 dự án luật đầu tiên được Quốc hội cho ý kiến trong nhiệm kỳ khóa XV, do đó phải đạt độ mẫu mực về quy trình, đảm bảo sức sống của luật, tránh tình trạng "luật khung", "luật ống".

Trên cơ sở đó, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải trình tất cả ý kiến của các đại biểu để bổ sung, làm rõ về sự cần thiết để tăng thêm tính thuyết phục; rà soát lại các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp... đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lắp. "Dự án luật bước đầu đáp ứng yêu cầu. Ban soạn thảo cần tiếp thu ý kiến, rà soát, bổ sung và giải trình nghiêm túc, hợp lý. Đối với Thường trực UBQPAN đã tích cực, chủ động thẩm tra sơ bộ dự án luật, cần khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo trình UBTVQH", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ trân trọng cảm ơn Thường trực UBQPAN và các đại biểu đã phát biểu góp ý kiến tại phiên họp, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; đồng thời khẳng định, Bộ Công an sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, có trách nhiệm giải trình một cách đầy đủ, thấu đáo để đảm bảo tính đồng bộ của quy định pháp luật.

Lưu ý Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Dự án Luật CSCĐ, đồng chí Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu tiếp tục quan tâm, phối hợp, ủng hộ Bộ Công an trong sự nghiệp bảo vệ ANTT, góp phần xây dựng thành công, hoàn thiện dự án luật...

                                                                        Nguồn: Cand.com

Các bài mới đăng