Phim phóng sự
Liên kết website
Tiện ích
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập106
Tổng số lượt xem 776084
Đề cương tuyên truyền 46 năm ngày truyền thống lực lượng pháp chế Công an nhân dân - Phần 1
Đăng lúc 03/11/2023 16:29:00

Hướng tới kỷ niệm 46 năm ngày truyền thống lực lượng pháp chế CAND (27/10/1945-27/10-2021) lực lượng pháp chế Công an nhân dân tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và nỗ lực phấn đấu để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ có hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết các vấn đề liên quan công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp.

Trang Thông tin điện tử Trường Đại học ANND đăng toàn văn Đề cương tuyên truyền 46 năm Ngày truyền thống lực lượng Pháp chế Công an nhân dân của Bộ Công an.

 

ĐỀ CƯƠNG

TUYÊN TRUYỀN 46 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG

LỰC LƯỢNG PHÁP CHẾ CÔNG AN NHÂN DÂN

(27/10/1975-27/10/2021)

 

Phần 1

 

I. KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ 46 NĂM PHÁP CHẾ CÔNG AN NHÂN DÂN

1. Giai đoạn 1975-1985

Ngày 27/10/1975 thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đánh dấu sự ra đời của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh trật tự bằng pháp luật của lực lượng Công an nhân dân trong điều kiện đất nước đã thống nhất, được sự ủy quyền của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đồng chí Thứ trưởng Lê Quốc Thân đã ký Quyết định số 2493/BNV/QĐ ngày 27/10/1975 thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Theo Quyết định này, Phòng Pháp chế có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý thống nhất công tác pháp chế; hướng dẫn thi hành pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ; nghiên cứu đề xuất với Bộ trưởng ban hành văn bản pháp quy cần thiết cho công tác an ninh chính trị và trật tự xã hội. Phòng Pháp chế do một Cục trưởng trực tiếp phụ trách và có các phó trưởng phòng giúp việc.

Ngày 21/01/1977, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/CP thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Đây là Vụ Pháp chế đầu tiên được thành lập ở một Bộ, sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển mới của công tác pháp chế nói chung và trong lực lượng Công an nhân dân nói riêng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn, xã hội, góp phần đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch, trấn áp bọn phản cách mạng, đập tan mưu mô ngóc đầu dậy của các loại phản động, tăng cường pháp luật và kỷ luật, bảo vệ trật tự xã hội và sự an toàn của nhân dân. Ngày 18/6/1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký ban hành Quyết định số 22/QĐ-BNV quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ Pháp chế. Theo Quyết định này, Vụ Pháp chế là đơn vị trực thuộc Bộ trưởng có trách nhiệm thống nhất quản lý và chỉ đạo công tác pháp chế trong toàn lực lượng Công an nhân dân và làm tư vấn pháp luật giúp Bộ trưởng về các vấn đề có liên quan đến công tác pháp chế thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ. Về tổ chức bộ máy, Vụ Pháp chế gồm có:

- Phòng Nghiên cứu tổng hợp;

- Phòng Nghiên cứu pháp luật trong nước và luật lệ quốc tế;

- Phòng Hệ thống hóa luật lệ, tư liệu.

Ngày 15/5/1985, đồng chí Thứ trưởng Trần Đông đã ký ban hành Quyết định số 57/QĐ-BNV quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế Công an các đơn vị, địa phương. Theo Quyết định này, tổ chức pháp chế được thành lập ở Cục Tham mưu tổng hợp, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Vụ Tổng hợp của Tổng cục Hậu cần và Văn phòng Tổng hợp thuộc Công an các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương; các vụ, cục, viện, trường… có cán bộ pháp chế chuyên trách thuộc Phòng Tham mưu hoặc Tổng hợp (ở các trường thuộc Phòng Giáo vụ); Công an cấp huyện không có cán bộ pháp chế chuyên trách, công tác pháp chế do một Phó trưởng Công an cấp huyện phụ trách. Tổ chức pháp chế ở Công an các đơn vị, địa phương đã hình thành, đi vào ổn định, hoạt động đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của Công an nhân dân.

2. Giai đoạn 1986-1990

Ngày 21/7/1987, giải thể Vụ Pháp chế, thành lập Tổ chuyên viên pháp chế thuộc Văn phòng Tổng hợp.

Năm 1986 là năm có nhiều sự kiện mang tính lịch sử của dân tộc ta. Đây là thời kỳ chứng kiến nhiều diễn biến về chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và trên thế giới. Những bài học trong 10 năm củng cố chính quyền, xây dựng kinh tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sau ngày thống nhất đất nước là tiền đề quan trọng để Đảng ta lãnh đạo đất nước bước vào giai đoạn đổi mới và phát triển. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đất nước.

Để tinh giản bộ máy cho phù hợp với tình hình mới, ngày 21/7/1987, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm đã ký Quyết định số 48/QĐ-BNV kiện toàn một bước tổ chức của một số vụ, cục trực thuộc Bộ trưởng, trong đó giải thể Vụ Pháp chế, thành lập Tổ chuyên viên pháp chế thuộc Văn phòng Tổng hợp (nay là Văn phòng Bộ Công an), làm tư vấn pháp luật giúp Bộ trưởng về các vấn đề có liên quan đến pháp chế thuộc chức năng của Bộ Nội vụ. Đến năm 1989, Tổ chuyên viên Pháp chế chuyển thành Phòng 4 Cục tham mưu tổng hợp. Trong giai đoạn này, mặc dù biên chế chỉ là Tổ chuyên viên pháp chế thuộc Văn phòng Tổng hợp nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, cán bộ pháp chế đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ an ninh, trật tự, tiêu biểu là các công việc như: xây dựng Pháp lệnh Lực lượng An ninh nhân dân năm 1987; Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát nhân dân năm 1989; Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 1989; Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 1991 và các văn bản triển khai thi hành.

3. Giai đoạn 1991-1996

Ngày 20/11/1991, để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong Công an nhân dân, đồng chí Bùi Thiện Ngộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định số 1584/QĐ-BNV thành lập lại Vụ Pháp chế.

Tháng 6/1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng trong đó có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lập lại và củng cố trật tự kỷ cương xã hội, bảo đảm sự ổn định của đất nước, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, ngày 20/11/1991, đồng chí Bùi Thiện Ngộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định số 1584/QĐ-BNV thành lập lại Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng gồm 1 phòng và 3 tổ chuyên viên (Phòng Tổng hợp, tư liệu, văn thư, hậu cần; Tổ chuyên viên tư pháp hình sự; Tổ chuyên viên luật hành chính, kinh tế, dân sự; Tổ chuyên viên luật quốc tế); đồng chí Đặng Cân được bổ nhiệm làm Vụ trưởng. Vụ Pháp chế có trách nhiệm thống nhất quản lý và hướng dẫn công tác pháp chế trong lực lượng Công an nhân dân; làm tư vấn pháp luật giúp Bộ trưởng về những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ trưởng.

Cùng với việc ổn định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế, lãnh đạo Bộ đã phân công đồng chí Thứ trưởng Thường trực Phạm Tâm Long trực tiếp chỉ đạo Vụ Pháp chế soạn thảo Chỉ thị “Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong lực lượng Công an nhân dân” trình Bộ trưởng xem xét, ký ban hành. Ngày 01/10/1992, đồng chí Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-BNV(V19) về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong lực lượng Công an nhân dân.

Chỉ thị yêu cầu các tổng cục, bộ tư lệnh, vụ, cục trực thuộc Bộ trưởng và Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chỉnh 6 mặt các công tác pháp chế: (1) Rà soát văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác công an; (2) Đẩy mạnh việc xây dựng và tham gia xây dựng văn bản pháp luật; (3) Coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; (4) Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc thi hành pháp luật; (5) Xử lý nghiêm minh, kịp thời và triệt để các vụ vi phạm pháp luật; (6) Kiện toàn tổ chức và cán bộ pháp chế ở Công an các đơn vị, địa phương để làm tốt công tác tham mưu, tư vấn pháp luật cho lãnh đạo.

Thi hành Chỉ thị này, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đã kiện toàn tổ chức pháp chế ở đơn vị, địa phương mình, bố trí cán bộ có trình độ pháp luật, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Bộ trưởng đề ra.

4. Giai đoạn 1996 đến nay

Ngày 16/9/1996, Bộ Công an quy định chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ hệ công tác pháp chế.

Ngày 05/7/1990, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định số 109/QĐ-BNV ban hành Bản danh mục số I các chức vụ sĩ quan, hạ sĩ quan và công nhân viên của lực lượng Công an nhân dân. Điều 2 của Quyết định đã giao cho Công an các đơn vị, địa phương xây dựng và áp dụng chức danh đầy đủ, tiêu chuẩn nghiệp vụ theo từng hệ tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ. Ngày 09/5/1995, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân có Công văn số 311/BNV(X11) chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ của các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ, Vụ Pháp chế tổ chức nghiên cứu xây dựng chức danh hệ công tác pháp chế. Về nguyên tắc chỉ đạo khi xây dựng chức danh là phải căn cứ vào đặc điểm công tác pháp chế cần những chuyên gia am hiểu sâu về một số chuyên ngành luật đề đáp ứng nhiệm vụ tham mưu, tư vấn về pháp luật cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Công an cấp tỉnh. Mặt khác, phải tính đến việc bảo đảm chế độ, chính sách để cán bộ làm công tác pháp chế yên tâm với nhiệm vụ được giao. Vì thế, quá trình xây dựng chức danh, ngoài các chức danh của cấp vụ, cấp phòng, Vụ Pháp chế đặc biệt chú ý nghiên cứu đề xuất chức danh chuyên viên pháp lý để áp dụng từ Bộ đến địa phương. Trong Tờ trình đề nghị Bộ trưởng xem xét quyết định, Vụ Pháp chế đã nêu rõ tính chất, đặc điểm của công tác pháp chế, nhất là cán bộ làm công tác pháp chế ở Công an các đơn vị, địa phương: số lượng không nhiều, hướng đào tạo chuyên sâu trở thành những chuyên viên giỏi rất là cần thiết; quan điểm này đã được Tiểu ban nghiên cứu chức danh, tiêu chuẩn của Bộ và lãnh đạo Bộ đồng ý.

Ngày 16/9/1996, lãnh đạo Bộ đã ký Quyết định số 563/QĐ-BNV(X13)  ban hành Bản danh mục chức danh đầy đủ của sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ của các vụ, cục trực thuộc Bộ trưởng, trong đó có hệ công tác pháp chế gồm 9 chức danh (05 chức danh sĩ quan lãnh đạo, chỉ huy, 04 chức danh sĩ quan nghiệp vụ), điểm đáng chú ý là chức danh chuyên viên pháp lý, trợ lý pháp lý bậc 1, trợ lý pháp lý bậc 2 được áp dụng với cả Vụ Pháp chế và các đơn vị ở cơ quan Bộ và Công an các đơn vị địa phương.

Việc quy định hệ công tác pháp chế từ Bộ đến địa phương có chức danh chuyên viên pháp lý, trợ lý pháp lý bậc 1, trợ lý pháp lý bậc 2 là sự quan tâm của lãnh đạo Bộ đối với cán bộ làm công tác pháp chế trong lực lượng Công an nhân dân, là cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp cán bộ, phong quân hàm, thực hiện chế độ, chính sách, quy hoạch cán bộ pháp chế trong lực lượng Công an nhân dân.

Ngày 12/3/1997, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 201/QĐ-BNV(X13) về kiện toàn tổ chức bộ máy Vụ Pháp chế.

Để đáp ứng với yêu cầu tăng cường pháp chế trong Công an nhân dân, đòi hỏi Vụ Pháp chế phải có tổ chức mạnh, ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ. Theo tinh thần đó, Vụ Pháp chế đã phối hợp với Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân đề xuất và được Bộ trưởng duyệt ký Quyết định số 201/QĐ-BNV(X13) ngày 12/3/1997 về kiện toàn tổ chức bộ máy Vụ Pháp chế. Theo Quyết định này, Vụ Pháp chế được tổ chức 3 phòng: Phòng Tổng hợp, Phòng Pháp luật hình sự, quốc tế và Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự.

Biên tập và phát hành Công báo nội bộ.

Ngày 18/10/1997, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ban hành Quyết định số 836/1997/QĐ-BNV(V19) về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong lực lượng Công an nhân dân. Quyết định đã nêu rõ: “Định kỳ 3 tháng Vụ Pháp chế có trách nhiệm tập hợp, hệ thống hóa các văn bản QPPL có liên quan đến an ninh, trật tự do Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng ban hành để biên soạn, xuất bản tờ Công báo nội bộ phổ biến trong toàn ngành…”. Thực hiện Quyết định số 836/1997/QĐ-NBV(V19) nói trên, từ năm 1997 Vụ Pháp chế đã tiến hành tập hợp, hệ thống hóa các văn bản QPPL về an ninh, trật tự theo từng quý, biên tập và xuất bản mỗi năm 04 số Công báo nội bộ phát hành đến các đơn vị trực thuộc Bộ và đến Công an cấp tỉnh và cấp huyện.

Các số Công báo nội bộ đã phát hành bảo đảm chính xác về nội dung, kịp thời về thời gian và đầy đủ về số lượng văn bản mới ban hành, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu văn bản, học tập, áp dụng pháp luật của cán bộ, chiến sĩ trong ngành, góp phần nâng cao hiệu quả trên các lĩnh vực hoạt động của lực lượng Công an nhân dân.

        

Ngày 23/5/1998, thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công an.

Ngày 07/01/1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ. Theo Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thành lập Hội đồng ở cấp mình.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Vụ Pháp chế Bộ Công an đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 297/1998/QĐ-BNV(V19) thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công an do đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Tính làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên thuộc các đơn vị sau: Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Cục Tài chính, Thanh tra Bộ, Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời đề xuất thành lập hội đồng ở các tổng cục và Công an các địa phương.

Năm 2004, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công an đã được kiện toàn, đồng chí Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ tịch Hội đồng, có 17 thành viên gồm các đơn vị: Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Cục Tài chính, Thanh tra Bộ, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Tổng cục Tình báo, Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Cục Công tác chính trị, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân.

Các tổng cục và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có Hội đồng tại cấp mình và hoạt động dưới sự chỉ đạo, định hướng của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công an.

Ngày 10/5/2001, Chi bộ Vụ Pháp chế được nâng cấp thành Đảng bộ Vụ Pháp chế.

Để phù hợp với sự phát triển của Vụ Pháp chế, đáp ứng yêu cầu tăng cường pháp chế trong công tác công an, cấp uỷ Vụ Pháp chế đã báo cáo Đảng uỷ Công an Trung ương đề nghị nâng cấp Chi bộ Vụ Pháp chế thành Đảng bộ Vụ Pháp chế. Trong Báo cáo của cấp ủy nêu rõ Vụ Pháp chế có 3 phòng chuyên môn, là cơ sở để thành lập 3 chi bộ trực thuộc đảng bộ; việc nâng cấp Chi bộ thành Đảng bộ sẽ tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Đề xuất của Vụ Pháp chế đã được sự ủng hộ nhất trí của Cục Công tác Đảng và công tác quần chúng. Ngày 10/5/2001, Đảng uỷ Công an Trung ương đã có Quyết định số 02/QĐ-TV(X16) nâng cấp Chi bộ cơ sở Vụ Pháp chế thành Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng uỷ Công an Trung ương. Đồng chí Trần Đình Nhã, Vụ trưởng được bầu làm Bí thư Đảng uỷ Vụ Pháp chế.

Ngày 19/10/2001, Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Quyết định số 1033/2001/QĐ-BCA(X11) về Ngày truyền thống của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân.

Năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập tổ chức pháp chế trực thuộc Bộ trưởng, Vụ Pháp chế đã tổ chức Hội thảo khoa học để lấy ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành pháp chế về ngày truyền thống của lực lượng Pháp chế. Kết quả hội thảo nhất trí đề nghị Viện Lịch sử Công an phối hợp với Vụ Pháp chế trình Bộ trưởng duyệt ngày 27/10/1975 là ngày truyền thống của lực lượng pháp chế Công an nhân dân. Ngày 19/10/2001, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 1033/2001/QĐ-BCA xác định ngày 27/10/1975 là Ngày truyền thống của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân.

Xây dựng và đưa vào khai thác Hệ cơ sở dữ liệu văn bản QPPL trong lực lượng Công an nhân dân.

Trong những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ tin học đã phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước. Công tác quản lý, lưu trữ, tìm kiếm văn bản QPPL của các đơn vị ở Bộ và Công an địa phương bằng phương pháp thủ công không còn phù hợp. Bên cạnh đó, nhu cầu khai thác văn bản phục vụ nghiên cứu, học tập, áp dụng pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đòi hỏi ngày càng cao. Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Công an quyết định giao cho Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ tin học nghiệp vụ thuộc Tổng cục Kỹ thuật tiến hành xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu văn bản QPPL sử dụng trong lực lượng Công an nhân dân.

Từ cuối năm 1998 đến tháng 7/2001, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Vụ Pháp chế và Cục Công nghệ tin học nghiệp vụ cùng với sự nỗ lực của các cán bộ chuyên môn Phòng Tham mưu tổng hợp của Vụ Pháp chế, Hệ cơ sở dữ liệu đã hoàn thành giai đoạn đầu với số lượng lưu trữ trên ba nghìn văn bản, được khai thác, sử dụng trong mạng cục bộ (LAN) của Vụ Pháp chế.

Để công tác xây dựng và sử dụng Hệ cơ sở dữ liệu văn bản QPPL của Bộ Công an dần đi vào nền nếp và triển khai rộng khắp đến các đơn vị ở Bộ và Công an địa phương, ngày 11/6/2001, lãnh đạo Bộ đã ban hành Quyết định số 495/2001/QĐ-BCA(V19) quy định việc quản lý, sử dụng Hệ cơ sở dữ liệu văn bản QPPL trong lực lượng Công an nhân dân. Triển khai thực hiện Quyết định này, Vụ Pháp chế và Cục Công nghệ tin học nghiệp vụ đã tiến hành nghiên cứu chuyển đổi dữ liệu và sản xuất một nghìn đĩa CD Hệ cơ sở dữ liệu phiên bản 1.0 cấp phát cho các đơn vị ở Bộ và Công an địa phương tại Hội nghị công tác pháp chế Công an nhân dân (tháng 7/2001). Đến nay, CD Hệ cơ sở dữ liệu đã được cập nhật, hoàn thiện đến phiên bản 5.0.

Đây là Hệ cơ sở dữ liệu văn bản QPPL lần đầu tiên được xây dựng và sử dụng trong nội bộ một ngành, là một công cụ đắc lực đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm kiếm văn bản QPPL nhanh chóng, chính xác và thuận tiện, góp phần nâng cao hiệu quả trên các hoạt động chỉ huy, chỉ đạo, nghiên cứu, học tập, áp dụng pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Sau khi Bộ Công an có Hệ cơ sở dữ liệu văn bản QPPL riêng, nhiều bộ, ngành khác cũng học tập kinh nghiệm này và bắt tay vào xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản QPPL cho bộ, ngành mình.

Tháng 12/2004 Vụ Pháp chế triển khai công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL về an ninh, trật tự

Kiểm tra văn bản QPPL là một nhiệm vụ mới được chuyển giao từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sang hệ thống cơ quan hành pháp. Thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL, Thông tư số 01/2004/TT-BTP ngày 01/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP, công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL đã được triển khai ở tất cả các bộ, ngành và địa phương.

Để triển khai công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo quy định, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 1440/2004/QĐ-BCA(X13) ngày 14/12/2004 thành lập Phòng Kiểm tra, xử lý và hệ thống hóa văn bản QPPL thuộc Vụ Pháp chế.

Ngày 19/7/2007, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 846/QĐ-BCA(X13) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế Công an các đơn vị địa phương.

Ở cơ quan Bộ, thành lập các phòng pháp chế: Phòng Pháp chế, nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Phòng Pháp chế thuộc Cục Tham mưu Cảnh sát Tổng cục Cảnh sát; Phòng Pháp chế và nghiên cứu khoa học, lịch sử thuộc Văn phòng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và các tổ chức làm công tác pháp chế ở Tổng cục An ninh, Tổng cục Tình báo và các đơn vị trực thuộc Bộ. Theo Quyết định nêu trên, các tổ chức pháp chế các tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm giúp thủ trưởng đơn vị quản lý công tác pháp chế, tổ chức thực hiện công tác xây dựng, thẩm định, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý các văn bản QPPL; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thi hành văn bản QPPL; tư vấn pháp luật cho thủ trưởng về các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Ngày 11/12/2009, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 4054/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vụ Pháp chế

Thực hiện Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 4054/QĐ-BCA ngày 11/12/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vụ Pháp chế. Theo Quyết định này, Vụ Pháp chế có tổ chức bộ máy gồm 05 phòng: Phòng Tổng hợp; Phòng Pháp luật hình sự; Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự; Phòng Kiểm tra, xử lý và hệ thống hóa văn bản QPPL; Phòng Pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế.

Ngày 19/9/2011, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 3839/QĐ-BCA thành lập Phòng Tuyên truyền, theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật và pháp chế địa phương thuộc Vụ Pháp chế.

Ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, đã quy định cụ thể, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho tổ chức pháp chế ở Bộ và thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thi hành pháp luật. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng để triển khai thi hành pháp luật được bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Căn cứ vào các quy định này, ngày 19/9/2011, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 3839/QĐ-BCA thành lập Phòng Tuyên truyền, theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật và pháp chế địa phương thuộc Vụ Pháp chế.

Ngày 03/12/2013, Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Quyết định số 6704/QĐ-BCA chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, cán bộ Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Bộ Công an sang Vụ Pháp chế.

Theo Quyết định này, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân được bổ sung chức năng thống nhất quản lý công tác cải cách hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vị chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Ngày 25/3/2014, Vụ Pháp chế được đổi thành Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp.

Ngày 25/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; trong đó, Vụ Pháp chế được đổi thành Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân.

Ngày 16/6/2014, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 3105/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; theo đó, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng về pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an; thống nhất quản lý công tác pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp trong Công an nhân dân; tổ chức thực hiện công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hóa QPPL; quản lý công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra thi hành pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; thực hiện quản lý công tác bồi thường của nhà nước và thực hiện dân chủ trong Công an nhân dân; quản lý, hướng dẫn, kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Công an; hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ đối với pháp chế Công an các đơn vị, địa phương. Theo Quyết định số 3105/QĐ-BCA, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp do Cục trưởng phụ trách, có 04 đến 05 Phó Cục trưởng và tổ chức bộ máy bao gồm 8 phòng.

Cùng đó, tính đến năm 2015, nhiều tổ chức pháp chế trong Công an nhân dân đã được thành lập. Ở cơ quan Bộ, thành lập 05 phòng pháp chế thuộc các tổng cục (Tổng cục An ninh; Tổng cục Cảnh sát; Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật; Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp); 03 đội pháp chế thuộc các phòng tham mưu, tổng hợp của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát giao thông; thành lập bộ phận cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách tại B12; các đơn vị trực thuộc Bộ bố trí bộ phận làm công tác pháp chế kiêm nhiệm.

Ở địa phương, Phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã được thành lập tại Công an các thành phố trực thuộc trung ương gồm: Công an thành phố Hà Nội; Công an thành phố Hồ Chí Minh; Công an thành phố Hải Phòng; Công an thành phố Đà Nẵng; Công an thành phố Cần Thơ. Các địa phương còn lại thành lập Đội Pháp chế thuộc Văn phòng (sau này là Phòng Tham mưu).

Kiện toàn tổ chức Pháp chế Công an nhân dân theo tinh thần Đề án 106

Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án 106). Ngày 06/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Công an. Thực hiện Đề án 106 và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đơn vị và kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo của các phòng, nhất là những phòng mới thành lập một cách phù hợp, theo hướng chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao trong tình hình mới.

Ngày 06/8/2018, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 4006/QĐ-BCA ngày 06/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp. Theo Quyết định này, tổ chức bộ máy của đơn vị có 07 phòng (giảm 01 phòng so với trước đây), gồm có:

- Phòng Tổng hợp;

- Phòng Pháp luật hình sự và cải cách tư pháp;

- Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự;

- Phòng Kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL;

- Phòng Pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế;

- Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật và pháp chế địa phương;

- Phòng Cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính.

Cũng theo tinh thần của Đề án, các tổ chức pháp chế Công an nhân dân đã được thu gọn và được tổ chức như sau: Ở cấp Bộ có Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; các đơn vị thuộc cơ quan Bộ thành lập Đội hoặc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản đã thành lập các Đội Pháp chế hoặc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế.

Ngày 12/10/2020, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 107/2020/TT-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp và Quyết định số 8769/QĐ-BCA quy định tổ chức bộ máy Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp.

Theo đó, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp vẫn giữ nguyên tổ chức bộ máy với 07 phòng; đổi tên Phòng Pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế thành Phòng Pháp luật và điều ước quốc tế, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

                                                                                                                                                                                (Còn tiếp)

Các bài mới đăng