Phim phóng sự
Liên kết website
Tiện ích
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập3
Tổng số lượt xem 775308
Đề cương tuyên truyền 46 năm ngày truyền thống lực lượng pháp chế Công an nhân dân - Phần 2
Đăng lúc 03/11/2023 16:10:50

Hướng tới kỷ niệm 46 năm ngày truyền thống lực lượng pháp chế CAND (27/10/1945-27/10-2021) lực lượng pháp chế Công an nhân dân tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và nỗ lực phấn đấu để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ có hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết các vấn đề liên quan công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp.

Trang Thông tin điện tử Trường Đại học ANND đăng toàn văn Đề cương tuyên truyền 46 năm Ngày truyền thống lực lượng Pháp chế Công an nhân dân của Bộ Công an.

 

ĐỀ CƯƠNG

TUYÊN TRUYỀN 46 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG

LỰC LƯỢNG PHÁP CHẾ CÔNG AN NHÂN DÂN

(27/10/1975-27/10/2021)

 

Phần 2 (tiếp theo và hết)

II. PHÁP CHẾ CÔNG AN NHÂN DÂN QUA 46 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH, ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG TRONG SỰ NGHIỆP BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ, XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH

Là đơn vị tham mưu chiến lược giúp Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy Đảng, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong công tác pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong Công an nhân dân, trong 46 năm qua, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã có nhiều nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đáng kể vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoàn thiện thể chế và phổ biến, giáo dục pháp luật

Với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng về pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an; tổ chức thực hiện công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hóa QPPL; quản lý công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra thi hành pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; thực hiện quản lý công tác bồi thường của nhà nước và thực hiện dân chủ trong Công an nhân dân; quản lý, hướng dẫn, kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Công an, trong 46 năm qua, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác, chiến đấu, dự báo, phân tích, đánh giá tác động xã hội và nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở từng giai đoạn lịch sử của đất nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản QPPL quan trọng.

Ngay từ khi mới được thành lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Pháp chế Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc việc xây dựng các sắc luật số 01/SL-76, số 02/SL-76, số 03/SL-76 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo cơ sở, nền tảng pháp lý để Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy ban quân quản các cấp, các cơ quan bảo vệ pháp luật sử dụng để bảo vệ chính quyền, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được.

Năm 1986, đất nước ta bước vào sự nghiệp đổi mới, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp. Các phần tử bất mãn, chống đối ra sức xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bọn gián điệp và các thế lực thù địch tập trung chĩa mũi nhọn vào nước ta, tìm mọi cách móc nối với bọn phản động, cơ hội trong nước tăng cường kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt làm cho đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mất ổn định, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân ta đối với Đảng và Nhà nước. Trước tình hình đó, để bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, thực hiện phân công của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và của lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ trưởng Bộ Công an), Pháp chế Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc việc xây dựng Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân. Đây là văn bản pháp lý có hiệu lực cao, làm cơ sở, căn cứ cho việc xây dựng lực lượng An ninh nhân dân trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ khả năng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động của bọn phản động và các thế lực thù địch, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, chính quyền và Nhân dân.

Đến năm 1989, để xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân vững mạnh, tăng cường bảo vệ trật tự xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc sống tự do, hạnh phúc, bình yên của Nhân dân, Pháp chế Công an nhân dân đã tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ xây dựng trình Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh Cảnh sát sát nhân dân. Với 05 chương, 39 điều, Pháp lệnh đã quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát nhân dân, khẳng định Cảnh sát nhân dân là một trong những lực lượng vũ trang của Nhân dân, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.

Năm 1988, Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên của Nhà nước ta được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa VIII. Thực hiện phân công của Hội đồng Nhà nước và đồng chí Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bộ Công an, Pháp chế Công an nhân dân tiếp tục hoàn thành xuất sắc việc xây dựng Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự. Để triển khai thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, Pháp chế Công an nhân dân đã tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Căn cứ vào các văn bản nêu trên, các lực lượng An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân đã khẩn trương tổ chức lại cơ quan điều tra, lấy lực lượng điều tra xét hỏi làm nòng cốt, rà soát, lựa chọn, điều động một số cán bộ lãnh đạo và các cán bộ, chiến sĩ có năng lực, kinh nghiệm chuyên làm công tác truy xét các vụ án chưa rõ thủ phạm của lực lượng trinh sát hoặc điều tra, xử lý các vụ xâm phạm an toàn giao thông  để bổ sung cho Cơ quan điều tra của lực lượng Cảnh sát. Đối với cấp huyện, đã điều động những cán bộ đang làm công tác khám nghiệm hiện trường bổ sung cho Đội Cảnh sát điều tra, đồng thời rà soát, lựa chọn những cán bộ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm làm điều tra viên và Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp.

Trong thời gian qua, Pháp chế Công an nhân dân đã không ngừng đổi mới, từng bước nâng tầm nhận thức lý luận, tư duy chính trị - pháp lý trong việc nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng các văn bản QPPL phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; nâng cao tính dự báo và chất lượng của việc tham mưu, giúp Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều chính sách pháp luật quan trọng, xây dựng các thiết chế pháp luật, giải pháp phù hợp với thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn. Theo đó, chỉ tính trong 16 năm (2005-2021) lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã tham mưu xây dựng, trình Quốc hội thông qua 23 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông ban hành 09 pháp lệnh, 01 nghị quyết; trình Chủ tịch nước ban hành 01 quyết định; trình Chính phủ ban hành 151 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 72 quyết định; trình lãnh đạo liên ngành ban hành 109 thông tư liên tịch; trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 1066 thông tư, trong đó có nhiều văn bản quan trọng, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân như: Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Cư trú, Luật Đặc xá, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật An ninh mạng, Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Căn cước công dân, , Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự…; tham gia tích cực, có hiệu quả quá trình xây dựng các đạo luật quan trọng như: Hiến pháp; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự… Bên cạnh đó, còn tham mưu, giúp Đảng ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương xây dựng, trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành hàng trăm văn bản QPPL về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường, quản lý, điều hành các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở địa phương; xây dựng, ban hành các quy trình công tác, quy chế làm việc, đề án, chương trình, kế hoạch... phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân của địa phương.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, từ năm 1986 đến nay, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và văn bản hợp tác với đối tác nước ngoài theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân. Tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ nghiên cứu, đề xuất ký kết, gia nhập và thực hiện nhiều điều ước quốc tế đa phương: Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước về chống tra trấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Công ước về chống tham nhũng; Công ước về chống bắt cóc con tin; Công ước về chống khủng bố bằng bom… Chủ trì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền, tiến hành đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt hơn 69 hiệp định với các nước về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, hợp tác về phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp về hình sự, bảo vệ tin mật...; tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ thực hiện nhiệm vụ Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về dẫn độ và Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, tổ chức thi hành các quyết định về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù của Tòa án nhân dân có thẩm quyền; theo dõi tình hình phạm nhân được chuyển giao về Việt Nam và phạm nhân được chuyển giao ra nước ngoài để thông báo cho các cơ quan có liên quan.

Là lực lượng thực thi và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm cho Hiến pháp, pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải là người am hiểu và nắm vững Hiến pháp, pháp luật. Bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn công tác, chiến đấu, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, hoạch định chính sách, ban hành các thông tư, kế hoạch, chỉ thị, văn bản hướng dẫn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho Công an các đơn vị, địa phương; đổi mới hình thức, biện pháp và phối hợp sử dụng có hiệu quả hệ thống truyền thông của lực lượng Công an nhân dân vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ năm 2010 đến nay, Pháp chế Công an nhân dân đã tổ chức biên soạn, in ấn, cấp phát hàng trăm đề cương, tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trên 100 đầu sách pháp luật và tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn chuyên sâu các văn bản pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cốt cán, báo cáo viên pháp luật, cán bộ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, hội viên Chi hội luật gia công tác trong lực lượng Công an; biên soạn, phát hành hàng chục nghìn cuốn Công báo nội bộ, Thông tin Pháp chế đến Công an các đơn vị, địa phương; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong Công an nhân dân.

2. Chủ động, kịp thời tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương về triển khai thực hiện các chương trình, đề án hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp

Triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Công an Trung ương, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối về xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong Công an nhân dân như: Xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; đã tiến hành sơ kết, tổng kết trong Công an nhân dân; tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA, ngày 01-8-2017 về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hiện nay đang tiến hành tổng kết trong toàn lực lượng.

Thực hiện vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của Bộ Công an, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong Công an nhân dân. Trong đó, chủ trì tổ chức nhiều hội nghị quán triệt Nghị quyết số 49-NQ/TW cho cán bộ cốt cán ở cơ quan Bộ và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị địa phương; tổ chức sơ kết, tổng kết trong Công an nhân dân; tham mưu giúp lãnh đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành có liên quan xây dựng 3 đề án về cải cách tư pháp: Đề án giảm hình phạt tử hình và thay đổi hình thức thi hành hình phạt tử hình (từ bắn súng sang tiêm thuốc); Đề án mô hình Cơ quan điều tra cấp huyện và đổi mới hệ thống cơ quan điều tra trong Công an nhân dân phù hợp với việc đổi mới mô hình tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử; Đề án nghiên cứu tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối… Cùng với đó, còn tích cực, chủ động tham mưu với Đảng ủy, lãnh đạo Công an các cấp triển khai thực hiện chủ trương cải cách tư pháp theo chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh; đã xây dựng kế hoạch, tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đến cán bộ, chiến sĩ; tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tại địa phương; tiến hành sơ kết, tổng kết, nghiên cứu tham gia xây dựng các đề án, dự án về cải cách tư pháp theo phân công của các cơ quan có thẩm quyền; phối hợp với các đơn vị phối hợp với các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện việc sắp xếp, bố trí lại cơ quan điều tra phù hợp với quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và mô hình tổ chức của Bộ Công an; tổ chức rà soát, đánh giá lại số lượng, chất lượng cán bộ làm công tác điều tra, trinh sát, thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, giám định tư pháp; cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm phục vụ cho công tác điều tra, giam giữ trong toàn lực lượng để có biện pháp bố trí, luân chuyển cán bộ, bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp; thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp...

3. Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ

Công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng pháp chế Công an nhân dân. Thời gian gần đây, công tác này ngày càng khởi sắc, đi vào nền nếp, có chiều sâu và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Bằng những việc làm cụ thể, lực lượng pháp chế Công an nhân dân đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc chấp hành, áp dụng các quy định của pháp luật trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tận tâm phục vụ Nhân dân, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, chiến đấu dũng cảm, hy sinh thân mình vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân xuất hiện ngày càng nhiều, mang tính phổ biến trên các phương tiện truyền thông, được Nhân dân tin yêu, mến phục.

Cùng với việc tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong toàn lực lượng, Pháp chế Công an nhân dân đã chủ trì, phối hợp với các tổng cục, đơn vị có liên quan tổ chức hàng chục đoàn kiểm tra công tác thi hành pháp luật ở Công an các đơn vị, địa phương, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, vi phạm, đề ra các giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cấp có thẩm quyền nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, góp phần khắc phục khó khăn, bất cập do chính các quy định của pháp luật gây ra, đưa pháp luật vào thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm…

4. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL; công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và nghiên cứu khoa học pháp lý

Thực hiện quy định của pháp luật về kiểm tra, xử lý văn bản QPPL và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã chủ động, khắc phục khó khăn thực hiện tốt công tác tự kiểm tra văn bản; đã tiến hành kiểm tra các văn bản QPPL có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo chuyên đề, địa bàn, lĩnh vực. Cùng với đó, quán triệt các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của lãnh đạo Bộ về công tác cải cách hành chính, Văn phòng Bộ trước đây và Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (từ tháng 01/2014 đến nay) đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác cải cách hành chính đạt được những kết quả nổi bật. Đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ cụ thể hóa các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Chính phủ thành các chương trình, đề án, chỉ thị, kế hoạch… về công tác cải cách hành chính trong Công an nhân dân; triển khai thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong Công an nhân dân; Đề án xác định đánh giá chỉ số cải cách hành chính; Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước... Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức rà soát thủ tục hành chính trong địa phương mình; tiếp nhận và xử lý nhiều phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; góp phần đảm bảo việc thực hiện các thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, thuận tiện, đáp ứng yêu cầu chính đáng của công dân; kịp thời phục vụ công tác chỉ huy, điều hành của lãnh đạo Công an các cấp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã tổ chức quán triệt nội dung của các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Bộ Công an về công tác giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Chỉ tính từ năm 1998 đến năm nay, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã có 21 đề tài khoa học được nghiệm thu, trong đó có 01 đề tài khoa học cấp nhà nước đạt loại xuất sắc và đã xuất bản thành sách, 09 đề tài khoa học cấp Bộ đạt loại xuất sắc và khá, qua đó cung cấp những luận cứ khoa học, lý luận và thực tiễn cho công tác hoạch định, xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, pháp luật có liên quan đến bảo vệ an ninh, trật tự.

Bên cạnh các mặt công tác nêu trên, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng các chương trình, giáo trình và giảng dạy pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp trong các trường Công an nhân dân... Đồng thời, đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng, đánh giá cao.

Trong 46 năm qua, với những cố gắng không mệt mỏi, Pháp chế Công an nhân dân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương; Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an liên tục tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc.

Sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang tạo ra những cơ hội, thuận lợi lớn; đồng thời, cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức mới cho lực lượng Pháp chế Công an nhân dân. Công việc mà lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đảm nhiệm sẽ ngày một nặng nề hơn, đòi hỏi sự nỗ lực, trách nhiệm cao hơn của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.

 

Với niềm tin tưởng và tự hào, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, học tập, nâng cao năng lực, trình độ công tác, phấn đấu thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao trên các lĩnh vực xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ tổ chức tốt hơn nữa công tác thực thi Hiến pháp, pháp luật; theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật; thực hiện quy chế dân chủ; đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, và kiểm soát thủ tục hành chính, tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật… góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới./.

Các bài mới đăng