Đang truy cập | 17 |
Tổng số lượt xem | 908146 |
Ngày 17/09/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02/11/2021 và thay thế Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012. Thông tư áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Có nhiều điểm quan trọng được quy định tại Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT, đặc biệt là đã quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền của sinh viên, người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Cụ thể là:
1. Về trách nhiệm và quyền của sinh viên nghiên cứu khoa học
Việc quy định cụ thể trách nhiệm và quyền lợi cho sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho sinh viên có thêm động lực hơn khi tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư đã quy định khi tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên phải có trách nhiệm:
- Thực hiện các nghiên cứu khoa học một cách trung thực, nghiêm túc;
- Chịu trách nhiệm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên; tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, diễn đàn, các hoạt động khoa học và công nghệ khác trong các cơ sở giáo dục đại học;
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, hoạt động khoa học và công nghệ và các quy định khác của pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, sinh viên khi tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ được đảm bảo một số quyền lợi khác theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông 26/2021/TT-BGDĐT như:
- Được đề xuất, đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học;
- Được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị sẵn có của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động nghiên cứu;
- Được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học theo định mức quy định của cơ sở giáo dục đại học;
- Được công bố, hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu, các ấn phẩm khoa học và công nghệ khác trong và ngoài nước theo quy định;
- Được hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu theo quy định hiện hành;
- Được xem xét ưu tiên cộng điểm học tập, điểm rèn luyện; ưu tiên xét cấp học bổng và các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của cơ sở giáo dục đại học;
- Được hưởng các quyền lợi khác theo quy định.
Sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân nhận giải Nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2020
2. Về trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học
Theo Điều 11 Thông tư quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học thì người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học sẽ có trách nhiệm và quyền sau đây:
Thứ nhất, người hướng dẫn có trách nhiệm tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và các quy định hiện hành.
Thứ hai, người hướng dẫn được tính giờ nghiên cứu khoa học, được hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học sau khi hoàn thành việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Trước đây theo quy định của Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012 thì người hướng dẫn sinh viên chỉ được tính giờ nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc các kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng khác. So với quy định Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012 thì quy định hiện tại đã bổ sung trường hợp nghiên cứu khoa học đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước.
Như vậy, với quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền của sinh viên, người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tại Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho sinh viên và người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học thấy rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi của mình để có thể có nhiều động lực hơn khi tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tin, bài: Duy Trường – K2- T04